2 tháng 12, 2010

Dụng cụ của Shodou
Đến với shodou, bạn cần tự chuẩn bị cho mình một bộ dụng cụ:


fude

  • Fude: bút lông là một vật dụng không thể thiếu. Bút sử dụng trong shodouđược làm chủ yếu từ tre và lông động vật. Nếu như những cây bút truyền thống sử dụng những nguyên liệu khó kiếm như lông sóc, lông con lửng và lông sói, thì ngày nay bạn có thể tìm được những ngòi bút làm từ đủ loại chất liệu như lông chó mèo, lông dê, lông ngựa,... hay thậm chí là rơm và lông chim. Có nhiều loại bút với kích cỡ và độ cứng khác nhau tuỳ mục đích sử dụng, nhưng dễ thấy nhất là hosofude (ngòi nhỏ) và futofude (ngòi lớn).



  • Sumi: quan trọng không kém gì bút lông là thỏi mực. Khác với loại mực pha sẵn bán trong hiệu sách, sumi được làm từ than củi thành dạng thỏi. Ở Nhật thì mực bút lông được sản xuất chủ yếu ở hai vùng Nara và Suzuka. Người ta trộn than từ gỗ thông với một hỗn hợp dầu và hương liệu trước khi tạo hình và để khô.


  • Suzuri: nghiên mực làm bằng đá. Nếu như shodou là một nghệ thuật thì việc mài mực cũng lắm công phu. Không chỉ đơn thuần là cầm thỏi mực mài vào nghiên mực có chứa nước, một nhà thư pháp phải chú ý đến cách mài mực để sao cho đạt được một hỗn hợp mực ưng ý nhất.


  • Hanshi: viết thư pháp thì không thể không có giấy. Hanshi là loại giấy chuyên dụng trong shodou. Trên thực tế, washi thường được lựa chọn làm hanshi vì độ dai và bền của loại giấy này.


  • Shitajiki: tấm đệm mỏng đặt dưới hanshi khi viết để thấm mực thừa và tạo ra một mặt phẳng mềm hơn cho bút lông. Shitajiki dùng cho học sinh đôi khi còn có những đường kẻ đi kèm để giúp điều chỉnh kích thước chữ.


  • Bunchin: cái chặn giấy, đặt ở đầu hanshi khi viết. Bunchin thông thường làm bằng kim loại, nhưng cũng có những loại bunchin làm bằng đá và chạm khắc nhiều hoa văn trang trí.


  • Mizusashi: ấm nhỏ làm bằng gốm dùng để rót nước vào suzuri.


  • Inkan: con dấu riêng


Hiện nay ở Nhật có khoảng 8 đến 10 triệu người tham gia viết thư pháp. Nó phổ biến tới mức tất cả học sinh Nhật đều được học qua các bước cơ bản của nó ngay từ tiểu học, và nhiều trường trung học có những câu lạc bộ shodou nơi mà các thành viên có thể ở lại luyện tập sau giờ học cũng như tham gia các cuộc thi. Còn đối với các bạn ham thích tìm hiểu văn hoá Nhật, hoặc chỉ đơn giản muốn học tiếng Nhật thì shodou lại là một cách vô cùng hiệu quả để tập viết kanji đấy!
Quỳnh Anh
Một nét văn hoá Nhật Bản


Nói đến văn hoá Á Đông thì không thể bỏ qua nghệ thuật thư pháp. Đây là một hình thức nghệ thuật hoàn toàn không xa lạ gì ở Việt Nam cũng như các nước từng chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa và chữ Hán tự. Và với một nền văn hoá mang đậm nét truyền thống như Nhật Bản thì cũng không có gì lạ khi shodou được coi là một trong những bộ môn nghệ thuật độc tôn.


Shodō ( _ thư đạo ), hay nói một cách đơn giản là nghệ thuật viết chữ đẹp, du nhập từ Trung Quốc vào Nhật Bản từ khá sớm, nhưng phải đến năm 749 với bài tanka Soukou Shujitsu thì thư pháp Nhật mới đạt được những phong cách riêng.



Thời đại Heian ghi lại dấu ấn của nó trong lịch sử là thời đại mà văn hoá phát triển rực rỡ nhất. Đây cũng là thời gian mà shodou đạt được nhiều thành tựu đáng kể với nhóm Sanpitsu (三筆) gồm nhà sư Kuukai (774-835), thiên hoàng Saga (786-842) và Tachibana no Hayanari (778-842).


Koku Saicho shounin (哭最澄上人), thiên hoàng Saga


Saishigyoku Zayumei (崔子玉座右銘 空海筆),Kuukai

Vào thế kỷ 10 và 11, ba cây bút Sanseki (三跡) là Ono no Michikaze (Yaseki)Fujiwara no Sukemasa (Saseki), Fujiwara no Yukinari (Gonseki) lại tiếp tục đưa thư pháp Nhật Bản đến những tầm cao mới.


Ngày nay, khi bàn về shodou, chúng ta có thể chia ra 3 phong cách chính.


Kaisho là hình thức cơ bản đầu tiên bạn sẽ được học khi bắt đầu đến vớishodou và cũng là dạng đơn giản nhất. Mỗi nét bút được đưa một cách dứt khoát và rõ ràng, mô phỏng theo lối chữ in mà chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp trong sách báo.


Gyousho có dáng cong và mềm mại hơn, gần giống với chữ viết tay thông thường. Những nét bút mà nếu trong kaisho sẽ được viết một cách riêng biệt thì ở gyousho, chúng lại được nối vào với nhau để tạo ra một chỉnh thể tròn trịa đồng nhất.


Khác hẳn với hai loại trênsousho, hay “chữ thảo” là dạng chữ viết bay bướm và có tính nghệ thuật nhất, tách biệt hẳn với lối chữ viết thường ngày. Từ đầu đến cuối nhà thư pháp không hề để cho ngòi bút lông rời khỏi trang giấy, khiến cho các nét chữ quấn lấy nhau một cách duyên dáng. Vì thế cũng không có gì ngạc nhiên nếu nó được coi là loại chữ khó đọc nhất, kể cả với người Nhật.


Quỳnh Anh