15 tháng 11, 2010

Những lời khuyên tâm huyết của đức Đat-lai Lạt-ma

Những lời khuyên tâm huyết của đức Đat-lai Lạt-ma
VIẾT BỞI HOANG PHONG   
Chỉ mục bài viết
Những lời khuyên tâm huyết của đức Đat-lai Lạt-ma
1- Lời khuyên chung cho tất cả mọi người
2- Lời khuyên cho tuổi trẻ
3- Lời khuyên người đã trưởng thành
4- Lời khuyên người lớn tuổi
5- Lời khuyên nam và nữ giới
6- Lời khuyên người đã lập gia đình
7- Lời khuyên người độc thân
8- Lời khuyên người sống tập thể
9- Lời khuyên người sung túc
Tất cả các trang

NHỮNG LỜI KHUYÊN TÂM HUYẾT CỦA ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA 

  
Đức Đạt-lai Lạt-maTrích trong quyển: “Những lời khuyên tâm huyết” (Conseils du coeur)
của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma, sách được thực hiện với sự hợp tác của
MATTHIEU RICARD, CHRISTIAN BRUYAT chuyển ngữ từ tiếng Tây
Tạng, nhà xuất bản PRESSE DE LA RENAISSANCE, Paris 2001,
HOANG PHONG chuyển ngữ Pháp – Việt, 2009


Lời tựa
Tại nơi cư trú của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma trên đất Ấn, từ cửa sổ nhìn xuống là những cánh đồng bao la trải rộng tận cuối chân trời. Về phía bắc là các đỉnh núi tuyết phủ trắng gợi lại cho những người đến viếng thăm những cảnh quang cũ của xứ Tây tạng, chỉ cách nơi này vài trăm cây số theo đường chim bay, tuy thật gần nhưng cũng lại thật xa.
Một sự yên lặng an bình tỏa rộng chung quanh. Nơi đây mọi người đều nói với nhau rất ít và nếu có thốt ra điều gì thì nói thật nhỏ nhẹ, vì dường như tất cả đều ý thức được sự kiêu căng trong những lời vô ích. Sự yên lặng chỉ tan biến khi bật lên một tràng cười giòn của Ngài « Kundun » có nghĩa là « Sự hiện hữu », đấy là danh hiệu mà người Tây tạng dùng để gọi Đức Đạt-Lai Lạt-Ma với tất cả lòng trìu mến và kính trọng.
Thật ra thì trong một năm, Ngài phải dành ra nhiều tháng để đáp lại tấm chân tình của những người ước vọng ủng hộ chính nghĩa Tây tạng, đang bị bóp nghẹt trong gọng kìm cay nghiệt của độc tài Trung quốc và bị các nền dân chủ bỏ rơi vì tham thị trường mới mà không cần biết đến công lý là gì. Con Người bước trên đường hành hương vì hoà bình ấy không bao giờ biết mệt, Ngài bị cuốn vào một cơn lốc sinh hoạt triền miên mà ngay cả những lúc nghỉ ngơi nếu có thì cũng phải tính từng phút một. Tuy nhiên, dù làm việc vượt cả sức người, Ngài Kundun lúc nào cũng giữ được sự trong sáng và thái độ ân cần không bao giờ lay chuyển. Lúc nào cũng thế, trước mặt mọi người, dù là một người bạn lâu đời, một khách viếng thăm hay một kẻ lạ gặp ở phi trường, Ngài đều tỏ ra ân cần, hiển lộ qua toàn thể thân xác Ngài, bằng những cái nhìn thật đặc biệt với đôi mắt hiện lên lòng tốt, sự đơn sơ và rất nhiều hóm hỉnh.
Thông điệp của Ngài lúc nào cũng chỉ là một, Ngài lập đi lập lại không biết mệt với những ai muốn lắng nghe Ngài rằng : « Tất cả mọi sinh linh, kể cả những người đang hận thù ta, đều e sợ khổ đau và ước mong hạnh phúc. Tất cả đều ngang hàng với chúng ta, đều có quyền đạt được hạnh phúc và xa lìa khổ đau. Hãy quan tâm đến tất cả mọi người một cách thành thật, đối với bạn hữu cũng như kẻ thù. Đấy là căn bản sơ đẳng nhất của lòng từ bi ».
Cách nay vài năm, ông Alain Noël, giám đốc nhà xuất bản Presses de la Renaissance, có khẩn khoản xin Đức Đạt-Lai Lạt-Ma viết một quyển « di chúc tinh thần ». Tuy nhiên, vì lý do tất cả chúng tôi trong thâm tâm đều mong muốn là Ngài sẽ sống lâu hơn trăm tuổi, cho nên muốn giữ điềm lành đó được trọn vẹn và sau khi suy nghĩ kỹ, chúng tôi chỉ xin Ngài một loạt bài gồm những lời khuyên đơn giản, có thể mang lại chút gì đó cho mỗi người, dù tánh tình của họ ra sao, địa vị xã hội và nghề nghiệp của họ như thế nào. Thật hết sức tình cờ là ý kiến này cũng đã có ở Tây tạng, tức là các lời khuyên của các vị đại sư thường được gom thành những pho sách mang tựa đề « Những lời khuyên tâm huyết ». Thế là tựa đề và cả hình thức của quyển sách này đã sẵn sàng.
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma có rất ít thì giờ dành vào việc giao tiếp, vì thế chúng tôi thiết nghĩ nên lập trước một danh sách gồm nhiều chủ đề dự trù để tùy ý Ngài sẽ bỏ bớt hay triển khai thêm. Sau cùng Ngài lại thêm vào danh sách đó một số chủ đề mà chúng tôi không ngờ tới, đấy là những chủ đề mà Ngài hằng ấp ủ trong tim, chẳng hạn như về các tù nhân và những người đồng tính luyến ái.
Lời Ngài thốt ra có lúc thật nghiêm trọng, đôi khi rất hồn nhiên và vui tươi, có lúc lại rất kiên quyết hoặc tư lự và thỉnh thoảng bật lên những tràng cười dòn dã. Những lời của Ngài thật tự nhiên, không hề chủ tâm làm vui lòng bất cứ một ai, và trong những lời nói đó đã hiện lên một sự lo lắng sâu xa về những khó khăn của con người cùng những cái nhìn không thiếu sự nghiêm khắc đối với họ.
Người ta thường biết là Đức Đạt-Lai Lạt-Ma nói rất thẳng và hoàn toàn không có một tham vọng về bất cứ một điều gì thuộc cá nhân Ngài hay thuộc về Phật giáo. Ngài vẫn thường nói rằng « Tôi chỉ là một nhà sư ». Mục đích duy nhất là chia sẻ những kinh nghiệm riêng của chính Ngài với mọi người để cầu mong họ đạt được hạnh phúc bằng những cách thực tiễn nhất mà Ngài có thể làm được.
Ngài không dùng những thuật ngữ lắt léo hay những ngôn từ tối nghĩa để che đậy những gì khó nói hay những lúc do dự. Nếu có một vấn đề nào mà Ngài không thấy một giải đáp minh bạch, hoặc điều đó không phù hợp với sự thực mà Ngài cảm nhận một cách sâu xa trong lòng, thay vì khéo léo che giấu những điều ấy bằng cách đánh trống lãng hay dùng những câu trả lời rỗng tuếch, thì Ngài phô bày thẳng thắn sự bối rối của Ngài bằng cách ném thẳng một câu cộc lốc : « Tôi không biết », khiến cho mọi người chưng hửng và bật cười.
Đối với những người hiểu Ngài đôi chút, thì những câu trả lời và cách trả lời như thế đã phản ảnh đích thực cho thấy Ngài là như thế và Ngài đã nghĩ như thế. Ngài không bao giờ tìm cách lắt léo để tỏ ra khác hơn.
Những lời khuyên của Ngài rất đơn giản vì Ngài nghĩ rằng rắc rối chẳng có ích lợi gì cả. Một số người cho rằng quả là một điều thật ngây thơ khi cứ nhắc đi nhắc một cách chán ngấy rằng con người cần phải có « lòng tốt », tuy thế sự quan tâm của Ngài lại hết sức phù hợp với thực tế : Bản tính con người nói chung một mặt thì thiếu lòng từ tâm, mặt khác lại không chịu trau dồi phẩm tính căn bản ấy trong lòng. Như vậy thì đề cập đến chuyện hoà bình thế giới hay những chủ đề lớn lao khác cũng giống như nói chuyện phiếm vô tích sự mà thôi.
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma khích lệ chúng ta hãy triển khai lòng tốt và tình thương yêu mà Ngài luôn luôn quả quyết là những phẩm tính ấy đều đã có sẵn trong lòng mỗi con người chúng ta. Ngài kêu gọi chúng ta hãy nhìn vào những kinh nghiệm thường nhật để nhận thấy cần phải « trở thành một người tốt » thì mới có thể thừa hưởng được những gì tốt đẹp nhất trong sự hiện hữu của con người. Ngài luôn luôn đặt nặng « trách nhiệm toàn cầu », và ý thức mỗi người, với tư cách là thành viên của gia đình nhân loại, đều có thể trở thành một người thợ xây đắp cho hoà bình và bảo vệ chúng sinh. Ngài vẫn thường nói rằng: « Sự giải giới vũ khí bên ngoài cần phải đi đôi với sự giải giới vũ khí bên trong ».
Sự giản dị trong các lời nói của Ngài có mục đích giúp chúng ta nhìn thấy những gì cốt yếu. Vì vậy ta không nên vin vào đó mà đánh giá Ngài không đủ khả năng để diễn đạt những ý tưởng sâu xa hay khúc triết. Khi có một lời giáo huấn hay một mẫu đối thoại nào thuộc lãnh vực triết học, siêu hình hay các vấn đề tâm linh, Đức Đạt-Lai Lạt-Ma sẽ biểu lộ những quan điểm vô cùng phong phú của Ngài mà chiều sâu có thể làm cho những học giả lỗi lạc nhất phải chao đảo.
Vào tháng ba năm 2000, từ nơi cư ngụ, và trong tinh thần trình bày trên đây, Đức Đạt-Lai Lạt-Ma đã gửi gấm cho chúng ta những « lời khuyên tâm huyết ». Ngài giảng bằng tiếng Tây tạng và được thu âm, sau đó được Cristian Bruyat và tôi chuyển ngữ. Trong một bầu không khí thoải mái, thân mật và hồn nhiên, Ngài đã nói lên những gì có thể ứng dụng ngay cho tất cả mọi người, trong mục đích phát huy một « đời sống tinh thần cho người thế tục », và cố tình tránh né tối đa những khái niệm đặc thù của Phật giáo, nếu có thể được. Nếu chúng ta đủ sức hấp thụ, dù chỉ là một phần nhỏ những lời khuyên của Ngài vào tư duy và hành động của chúng ta, thì thật cũng nên lấy đó làm một điều vui mừng.
Matthieu Ricard
Tu viện Schéchèn, Népal
16 tháng 6, năm 2001



MỤC LỤC

Lời tựa           
Mở đầu : Lời khuyên chung cho tất cả mọi người     
I : NHỮNG LỨA TUỔI TRONG CUỘC ĐỜI
Lời khuyên cho tuổi trẻ
Lời khuyên người đã trưởng thành
Lời khuyên người lớn tuổi
 
II : NHỮNG CẢNH HUỐNG TRONG ĐỜI SỐNG
Lời khuyên nam và nữ giới
Lời khuyên người đã lập gia đình
Lời khuyên người độc thân
Lời khuyên người sống tập thể
Lời khuyên người sung túc
Lời khuyên người cùng quẫn
Lời khuyên người ốm đau
Lời khuyên người khuyết tật và những ai chăm sóc họ
Lời khuyên người lìa đời và những người thân thuộc chung quanh
Lời khuyên người làm việc quá nhiều và không còn ngày giờ rảnh rỗi
Lời khuyên người bị tù tội và những người cai tù
Lời khuyên người đồng tính luyến ái

III : NHỮNG VAI TRÒ TRONG XÃ HỘI
Lời khuyên người làm chính trị
Lời khuyên người nắm giữ cán cân pháp luật
Lời khuyên những người quan tâm đến thế giới này
Lời khuyên các nhà giáo
Lời khuyên các khoa học gia
Lời khuyên các nam nữ doanh nhân
Lời khuyên các nhà văn và nhà báo
Lời khuyên người nông dân
Lời khuyên những kẻ gây ra chiến tranh
Lời khuyên những người chăm lo cho kẻ khác
IV : CÁC CÁCH CƯ XỬ VÀ NHỮNG THỂ DẠNG TÂM THỨC
Lời khuyên người đang hạnh phúc
Lời khuyên người chịu cảnh bất hạnh
Lời khuyên người yếm thế
Lời khuyên người hay lo sợ
Lời khuyên người có ý định tự tử
Lời khuyên người khổ đau vì cô đơn
Lời khuyên người hay nóng giận
Lời khuyên người bị tham dục chi phối
Lời khuyên người khổ sở vì ganh tị
Lời khuyên người tự kiêu
Lời khuyên người bị tổn thương tinh thần
Lời khuyên người nhút nhát
Lời khuyên người hay lưỡng lự
Lời khuyên người không yêu quý bản thân mình
Lời khuyên người say sưa và nghiện ngập ma túy
Lời khuyên người đang nô lệ cho đam mê tình ái
Lời khuyên người không chú ý đến lời mình nói
Lời khuyên người hay chỉ trích kẻ khác
Lời khuyên người gây khổ đau cho kẻ khác
Lời khuyên người vô tình với kẻ khác

V : ĐỜI SỐNG TINH THẦN
Lời khuyên người tin vào tôn giáo
Lời khuyên người không tôn giáo
Lời khuyên người tu hành, các nhà sư và cố đạo
Lời khuyên người hay suy tư
Lời khuyên người có đức tin lớn
Lời khuyên người không có thái độ chia rẽ tôn giáo   
Lời khuyên người mong muốn tu tập Phật giáo
Lời khuyên người tu tập Phật giáo
 
Lời Kết           

1- Lời khuyên chung cho tất cả mọi người

Tất cả chúng ta đều không cần phải suy nghĩ thật sâu xa để thấy rằng mọi sinh linh đều cố gắng tìm kiếm hạnh phúc và khước bỏ khổ đau. Ta không thể tìm thấy bất cứ một loài sâu bọ nào lại không biết tìm đủ cách để trốn tránh khổ đau và tìm kiếm an toàn. Con người có thể làm hơn như thế nhiều nhờ vào khả năng biết suy nghĩ. Lời khuyên đầu tiên của tôi là hãy dùng cái khả năng biết suy nghĩ ấy để làm một cái gì ích lợi.
Lạc thú và khổ đau dựa trên sự cảm nhận của các cơ quan giác cảm và sự thoả mãn nội tâm. Đối với chúng ta thì sự thoả mãn nội tâm quan trọng hơn nhiều. Đấy là gia sản riêng của con người. Súc vật, trừ một vài trường hợp, không đủ khả năng làm được việc ấy.

Đặc tính của sự thoả mãn nội tâm chính là sự an bình. Nó bắt nguồn từ sự hào phóng, lương thiện và những gì mà tôi gọi là cách ăn ở đạo đức, có nghĩa là biết kính trọng quyền được hạnh phúc của người khác.

Một phần lớn khổ đau phát sinh chỉ vì ta có quá nhiều điều để suy nghĩ. Suy nghĩ nhiều nhưng ta lại không suy nghĩ một cách lành mạnh. Ta chỉ quan tâm đến những thoả mãn nhất thời, không chú trọng đến những lợi ích và khó khăn sẽ gây ra cho chính mình và cho người khác trong lâu dài. Tóm lại, thái độ ấy luôn luôn quay ngược để gây thiệt hại cho chính mình. Thật là chắc chắn, chỉ cần đơn giản thay đổi cách nhìn đối với mọi sự vật là ta có thể làm vơi đi những khó khăn trong hiện tại và tránh không tạo thêm những khó khăn mới trong tương lai.

Một số khổ đau, chẳng hạn như sự sinh, bịnh tật, già nua và cái chết không thể nào tránh khỏi. Chỉ có một việc duy nhất mà ta có thể làm được, ấy là tìm cách làm giảm bớt sự sợ hãi do những thứ ấy gây ra. Tuy nhiên không biết bao nhiêu khó khăn trên thế gian này, từ những bất hoà trong gia đình cho đến những cuộc chiến tranh tàn khốc nhất, đều có thể tránh được nếu cứ thật lòng mà chọn lấy cho mình một cách cư xử lành mạnh. Nếu ta không biết suy nghĩ một cách chín chắn, hoặc cái nhìn của ta quá ngắn hạn, hoặc các phương pháp của ta thiếu chiều sâu, hay ta không biết cảm nhận mọi sự vật với một tâm thức cởi mở và thư giãn, thì nhất định ta sẽ biến những gì thật nhỏ nhặt lúc ban đầu thành những khó khăn trọng đại. Nói một cách khác, ta tự đặt ra một số thật lớn những khổ đau cho chính mình. Đấy là những lời tôi muốn nói trong phần mở đầu.


2- Lời khuyên cho tuổi trẻ

Bất cứ nơì nào, trong các trường học cho trẻ em tị nạn trên đất Ấn, hoặc tại các quốc gia khác, tôi cũng đều vui mừng khi được tiếp xúc với những người trẻ. Tuổi trẻ rất bộc trực và ngay thật, tâm hồn cởi mở và mềm dẻo hơn những người đã trưởng thành. Khi tôi nhìn thấy một đứa bé, cảm nghĩ trước tiên phát xuất từ đáy lòng tôi là đứa bé ấy chính là con tôi hay đấy là một người bạn thân thiết từ lâu của tôi mà tôi có bổn phận phải chăm lo và yêu mến.
Những gì quan trọng hơn hết đối với các em là sự giáo dục, và giáo dục ở đây nên hiểu theo nghĩa rộng – tức là hấp thụ sự hiểu biết và đồng thời phải phát triển cả những phẩm tính căn bản của con người – nghĩa là phải toàn diện cả hai. Chính tuổi trẻ sẽ làm nền móng cho sự sống. Phương cách suy tư mà ta học hỏi được lúc còn trẻ sẽ ảnh hưởng sâu đậm trong suốt sự hiện hữu sau này, cũng giống như thức ăn và vệ sinh thân thể sẽ ảnh hưởng đến thân xác trong tương lai.
Nếu tuổi trẻ không dồn hết nỗ lực vào việc học hành thì sau này sẽ khó lòng mà bù đắp vào khiếm khuyết đó. Tôi từng nhận thấy những kinh nghiệm đối với chính tôi. Khi còn trẻ đôi khi tôi có phần lơ là, không quan tâm đến những điều học hỏi. Sau đó tôi hối hận vô cùng. Tôi nhận thấy trong khoảng thời gian ấy tôi đã đánh mất đi một cái gì đó. Dựa vào những kinh nghiệm trên đây, tôi khuyên tuổi trẻ nên ý thức giai đoạn còn được học hỏi là giai đoạn then chốt nhất trong sự hiện hữu của chính mình.
Ngay khi còn trẻ, cũng phải tập sống thuận thảo và tương trợ lẫn nhau. Những chuyện cãi vã và xung đột nhỏ nhặt không sao tránh khỏi được, nhưng điều quan trọng hơn là phải biết xoá bỏ những chuyện ấy, không nên giữ lại bất cứ một chút oán hận nào trong lòng.
Người ta vẫn nghĩ rằng tuổi trẻ không quan tâm đến những vấn đề hệ trọng chẳng hạn như cái chết. Tuy nhiên khi nghe những câu hỏi mà họ nêu lên, tôi mới thấy họ suy tư rất nhiều về những chủ đề thật nghiêm trọng, nhất là những gì xảy ra phía sau sự sống này.
Khi còn trẻ trí thông minh đang phát triển, tâm trí tràn ngập những điều thắc mắc. Lòng thiết tha mong mỏi được hiểu biết là căn bản của sự nẩy nở. Khi ta quan tâm đến thế giới này và càng tìm hiểu tại sao mọi sự vật lại như thế, thì khi đó tâm thức ta sẽ càng trở nên trong sáng hơn và tinh thần sáng tạo sẽ phát triển hơn.
Theo tôi còn một điều nữa rất thiết yếu. Trong xã hội tân tiến ngày nay, người ta có chiều hướng không quan tâm nhiều đến những gì mà tôi thường gọi là phẩm tính tự nhiên của con người : ấy là sự tốt bụng, lòng từ bi, sự hợp tác và khả năng tha thứ. Khi còn trẻ người ta hòa hợp với nhau một cách dễ dàng. Chỉ cần một lần gặp nhau và cùng nhau vui cười là cũng có thể trở thành bạn hữu với nhau. Không cần biết người bạn của mình làm nghề gì và thuộc giống dân nào. Điều quan trọng là người bạn mình cũng là một con người như chính mình  , và cũng chỉ cần như thế là đủ để kết bạn với nhau.
Khi càng lớn lên, người ta càng lơ là với lòng yêu thương, với tình bạn hữu hay sự tương trợ. Những gì trở nên hệ trọng và đáng quan tâm hơn cho họ là chủng tộc, tín ngưỡng  , và cái xứ sở đã sinh ra họ. Họ quên mất những gì hệ trọng và chỉ chú tâm đến những gì hời hợt mà thôi.
Vì thế tôi muốn khuyên những ai đang bước vào cái tuổi mười lăm, mười sáu hãy chớ nên đánh mất cái tươi mát của tâm hồn tuổi trẻ mà phải cố gắng quan tâm và duy trì lấy nó. Hãy thường xuyên suy tư về những gì sâu xa nơi con người, để từ đó sẽ tìm thấy sự tin tưởng vững chắc nơi bản chất đích thực của chính mình và củng cố niềm tin ấy trong lòng mình.
Thật quan trọng đối với những người trẻ là phải sớm ý thức được rằng đời sống của con người không phải là một chuyện dễ dàng. Muốn thực hiện sự sống ấy một cách tốt đẹp thì không được nản chí khi gặp khó khăn, và nhất là phải có một sức mạnh nội tâm từ bên trong.
Ngày nay người ta xem trọng chủ nghĩa cá nhân, đặt nặng quyền suy nghĩ riêng tư của mỗi người, không nhất thiết phải phù hợp với giá trị xã hội hay truyền thống sẵn có. Đấy cũng là một điều hay. Tuy nhiên, trên một bình diện khác, con người chỉ biết hấp thụ những thông tin từ bên ngoài, qua trung gian các cơ quan truyền thông, nhất là mạng lưới truyền hình. Những loại thông tin ấy trở thành những dẫn chứng duy nhất để cho ta dựa vào và chúng là cái nguồn duy nhất mang đến cảm ứng cho ta. Sự lệ thuộc quá đáng này khiến ta trở thành bất lực và không còn đủ sức để đứng vững một mình.  Chúng ngăn không cho ta dựa vào những phẩm tính đích thực của mình, để rồi đánh mất cả sự vững tin nơi bản thể của chính mình.
Theo tôi thì sự tự tin và khả năng đứng vững một mình là những gì thật thiết yếu để thành công trong đời. Tôi không có ý đề cập đến sự tự tin thiếu suy nghĩ, mà chỉ muốn nói đến sự kiện phải ý thức được tiềm năng sẵn có từ bên trong của mỗi người, một niềm tin vững chắc là chúng ta luôn luôn có khả năng tự sửa chữa, tự cải thiện để giúp mình trở nên phong phú hơn, và nhất là phải hiểu rằng không có gì bị đánh mất một cách vĩnh viễn cả.
Các chủ đề ưa chuộng của mạng lưới truyền thông là cướp bóc, tội phạm, những hành vi thúc đẩy bởi sự tham lợi hay hận thù. Tuy thế, ta không thể nào bảo rằng trong thế giới này tuyệt nhiên không có một hành động cao cả nào xảy ra, không có hành động nào thoát ra từ phẩm tính căn bản của con người. Chẳng lẽ không có ai chăm lo cho những người bệnh tật, trẻ mồ côi, người già yếu và những kẻ tật nguyền với tấm lòng bất vụ lợi ; chẳng có một ai đứng lên vì tình thương yêu kẻ khác hay sao ? Những hành động như thế xảy ra rất nhiều, nhưng ta lại xem những hành vi ấy là bình thường.
Tôi tin chắc rằng từ bản chất và từ nơi sâu kín của lòng ta, chẳng có ai muốn sát sinh, hãm hiếp, cướp bóc, nói dối hay phạm vào những hành động tiêu cực khác, trái lại tất cả chúng ta đều hàm chứa khả năng yêu thương và từ bi. Hãy nhìn vào tầm ảnh hưởng của sự trìu mến phát sinh một cách tự nhiên nơi người mẹ khi ta chào đời. Thiếu sự trìu mến đó, ta đâu còn sống đến ngày hôm nay. Hãy tự nhìn xem chúng ta đang cảm thấy an lành như thế nào khi được che chở bởi tình thương yêu của những người chung quanh, kể cả lúc chính ta tự biểu lộ được tình thương yêu đó, trong trường hợp ngược lại ta sẽ cảm thấy khổ sở ra sao khi đang bị giận dữ và hận thù xâm chiếm. Tư duy và hành động phát sinh từ yêu thương ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần và thể xác một cách rõ rệt. Chúng phù hợp với bản tính đích thực của ta. Trái lại những hành động hung bạo, độc ác, hận thù sẽ chi phối và khống chế ta để rồi ta cảm thấy thích thú khi nghe nhắc đến những chuyện như thế và cũng chính vì thế mà chúng xuất hiện nhan nhản trên báo chí.
Vấn đề nguy hiểm là dần dần ta bị lừa phỉnh và cứ ngỡ rằng bản chất con người là xấu xa. Biết đâu một ngày nào đó chúng ta sẽ thốt lên rằng không còn một hy vọng nào nữa cho loài người.
Tôi nghĩ rằng thật cần thiết phải nói với tuổi trẻ như sau : Các em hãy cố gắng nhận thấy những phẩm tính con người đang hiện hữu một cách tự nhiên trong các em. Các em hãy xây dựng trong lòng một niềm tự tin vững chắc và tập cho mình biết đứng vững trên đôi chân của chính mình !
Một số bạn trẻ khởi sự bước vào đời nhưng không hiểu mình muốn gì. Các bạn ấy chọn một nghề nào đó nhưng lại cảm thấy không thích hợp với mình, bèn bỏ nghề và chọn một nghề khác rồi lại tiếp tục bỏ nữa, để rồi sau cùng thì buông trôi tất cả và nghĩ rằng chẳng có gì cho mình tha thiết cả.
Nếu người bạn trẻ của tôi rơi vào trường hợp như thế thì cũng nên hiểu rằng không có một sự sống nào mà không gặp khó khăn. Đừng nên hy vọng tất cả sẽ bỗng nhiên tự động thành công và những khó khăn sẽ tan biến như một phép lạ.
Khi các bạn học xong và tìm việc làm thì hãy chọn lựa một nghề nghiệp phù hợp với bản chất của mình, sự hiểu biết của mình, khả năng của mình, quyền lợi của mình và có thể của gia đình mình, kể cả bạn hữu hay thân thuộc của mình nữa. Cũng có thể cho là hợp lý khi ta biết chọn một ngành nghề mà những người chung quanh đang làm. Như thế ta có thể nhận được những lời chỉ dẫn và thừa hưởng những kinh nghiệm của họ.
Hãy quán xét tất cả mọi yếu tố, chú ý đến những khả năng nào phù hợp nhất với hoàn cảnh của mình để lựa chọn. Sau khi đã chọn thì phải cố gắng duy trì. Dù có gặp khó khăn mấy đi nữa cũng phải quyết tâm để vượt qua. Hãy tự tin nơi chính mình và huy động mọi năng lực sẵn có.
Nếu bạn nghĩ rằng nhiều nghề nghiệp sẽ chờ đợi bạn như những món ăn để cho bạn tự do nếm thử, hết món này đến món khác, thì quả thật bạn sẽ có rất ít may mắn để thành công. Hãy tự nhủ rằng một ngày nào đó rồi bạn cũng phải chọn lấy một quyết định và trong thế giới này tuyệt đối không có bất cứ một thứ gì lại không hàm chứa những bất lợi.
Tôi nghĩ rằng chúng ta thường cư xử như những đứa trẻ được nuông chiều quá đáng. Khi còn bé, chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào cha mẹ. Đến tuổi đi học, chúng ta được giáo dục, có cơm ăn áo mặc, tất cả gánh nặng và khó khăn đều đè lên vai người khác. Đến lúc ta đủ sức lo toan cho chính sự hiện hữu của mình, tự vác lên vai gánh nặng của chính mình, thì ta lại nghĩ rằng tất cả đều sẽ dễ dàng ! Thái độ ấy trái ngược với thực tế. Trong thế giới này, không có một ngoại lệ nào cả, tất cả mọi chúng sinh đều phải gặp những khó khăn.


3- Lời khuyên người đã trưởng thành
Những lời khuyên cho tuổi trẻ cũng có thể áp dụng cho những người đang bước vào tuổi trưởng thành, bắt đầu đi làm và tạo lập gia đình.
Nghề nghiệp là phương tiện giúp cho ta sinh sống, nhưng đồng thời cũng là một sự đóng góp của ta vào xã hội. Thêm vào đó lại cũng có một sự tương tác nhất định giữa xã hội và bản thân ta. Nếu xã hội phát đạt ta cũng thừa hưởng được sự phồn vinh chung, nhưng nếu xã hội gặp khó khăn ta cũng phải gánh chịu sự nhọc nhằn. Tập thể xã hội mà chúng ta đang sống lại tiếp tục ảnh hưởng rộng lớn hơn ra chung quanh và sau cùng là cả nhân loại nữa. Nếu tập thể dân cư trong vùng mà ta đang sinh sống phát triển được một nền kinh tế phồn thịnh thì cả nước cũng được hưởng lây. Kinh tế nước Pháp liên hệ đến kinh tế của cả Âu châu, và kinh tế Âu châu sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của toàn thế giới. Các xã hội tân tiến ngày nay lệ thuộc vào nhau một cách chặt chẽ, sinh hoạt của mỗi người sẽ ảnh hưởng đến tất cả những người khác. Tôi nghĩ rằng ý thức được sự kiện đó là một điều hết sức cần thiết.
Khi nói rằng tình trạng phồn vinh của xã hội tùy thuộc vào mỗi người trong chúng ta, tôi không hề có ý ám chỉ là ta phải hy sinh sự an vui cá nhân của chính mình cho tập thể. Tôi chỉ muốn nói một cách đơn giản là cả hai bên, cá nhân và tập thể, không thể tách rời nhau. Thế nhưng ngày nay, người ta thường nghĩ rằng vận mệnh của xã hội và của từng cá nhân hoàn toàn khác biệt, cá nhân quan trọng hơn, còn tập thể thì không cần màng đến. Tuy nhiên nếu biết mở rộng tầm nhìn, ta sẽ thấy thái độ đó trên bình diện lâu dài không mang một ý nghĩa gì cả.
Hơn nữa như chúng ta đã biết, hạnh phúc và khổ đau của con người không phải chỉ căn cứ trên sự thoả mãn duy nhất của cơ quan giác cảm. Hạnh phúc và khổ đau còn nhất thiết dựa vào những yếu tố mang tính cách tinh thần. Xin đừng quên điều ấy nhé. Đừng nên xem đấy chỉ là những chi tiết nhỏ nhặt. Nếu ta có một ngôi nhà tuyệt đẹp, một chiếc xe sang trọng, tiền của trong ngân hàng, một địa vị cao sang trong xã hội và sự ngưỡng mộ của kẻ khác, thì cũng không hề có nghĩa là ta đang sống trong hạnh phúc. Kể cả trường hợp đột nhiên ta trở thành tỉ phú, cũng không có nghĩa là hạnh phúc sẽ tự động đến với ta. Sự tương quan ấy còn cần phải xem xét lại.
Những khoái cảm sâu xa khi thưởng thức một tác phẩm hội họa hay nghe một khúc nhạc hoà tấu đã chứng tỏ cho thấy tầm quan trọng của sự thoả mãn nội tâm nơi con người, khác với những thỏa mãn thô thiển phát sinh từ các cơ quan giác cảm hay là việc thu đạt của cải vật chất.
Tuy vậy, sự thoả mãn như vừa kể trên đây vẫn còn dựa vào thính giác và thị giác, do đó chỉ mang đến sự thích thú tạm bợ, trên nguyên tắc cũng chẳng khác gì sự thích thú do ma túy tạo ra. Khi bước ra khỏi bảo tàng viện hay phòng hòa nhạc, sự thích thú do nghệ thuật mang đến cũng chấm dứt theo, nhường chỗ cho sự thèm khát nổi lên. Người ta sẽ không bao giờ tìm thấy sự thỏa mãn nội tâm đích thực.
Điều thiết yếu là những suy tư trong nội tâm của mình. Điều ấy không có nghĩa là bắt buộc ta phải chối bỏ những nhu cầu sơ đẳng nhất trong cuộc sống. Mỗi người trong chúng ta đều có quyền được hưởng những gì tối thiếu. Chúng ta có cái quyền đó và chúng ta phải bảo vệ cái quyền đó. Nếu cần tranh đấu để bảo đảm cho cái quyền đó, thì ta phải sẵn sàng để tranh đấu. Nếu cần phải đình công thì ta đình công. Tuy nhiên đừng bao giờ để rơi vào một vị thế cực đoan. Nếu từ trong thâm tâm, không bao giờ ta thỏa mãn và cứ tiếp tục muốn nhiều hơn nữa, thì ta sẽ không bao giờ tìm thấy hạnh phúc mà sẽ vẫn luôn luôn cảm thấy còn thiếu thốn một cái gì đó.
Hạnh phúc trong nội tâm không lệ thuộc vào những tình huống vật chất hay là sự thỏa mãn của các giác quan. Hạnh phúc đích thực bắt nguồn từ trong tâm thức của chính mình. Nhìn thấy được tầm quan trọng của hạnh phúc, ấy là một điều vô cùng hệ trọng.

4- Lời khuyên người lớn tuổi

Khi trở về già và nếu như ta không có một tín ngưỡng tôn giáo nào cả, thì cũng nên hiểu rằng những khổ đau cơ bản nhất – sự sinh, bệnh tật, già nua, cái chết – là những thành phần bất khả phân của sự sống. Ngay từ lúc sinh ra đời, ta không thể nào tránh khỏi già nua và cái chết. Nó là như thế. Nếu oán thán rằng đấy là bất công, rồi ước muốn phải khác hơn thế, thì quả thật là vô ích.

Theo Phật giáo, việc được sống lâu hay không là nhờ vào những phẩm hạnh của chính mình trong quá khứ. Kể cả trường hợp ta không phải là người Phật giáo đi nữa thì cũng nên nhìn vào những người đã chết khi họ còn trẻ để cảm thấy hân hoan khi mình có một cuộc sống kéo dài hơn họ.

Nếu trước đây trong giai đoạn đầu tiên của cuộc đời, ta đã có một cuộc sống phong phú, thì hãy cố nhớ lại trong cái khoảng thời gian đó ta từng đóng góp những gì cho xã hội, và đã từng thực hiện được những công trình ích lợi nào với chủ tâm chân thành. Nếu đã làm được những điều ấy thì giờ đây ta sẽ không có gì để hối tiếc nữa.

Nếu ta mang một tín ngưỡng tôn giáo thì hãy cứ cầu khẩn hay suy tư tùy theo đức tin của mình. Nếu tinh thần còn trong sáng, ta hãy suy nghĩ rằng sự sinh, bệnh tật, già nua và cái chết là những thành phần thuộc vào sự sống của con người mà ta không thể nào tránh được những thứ ấy. Hiểu được như thế và hoàn toàn chấp nhận sự thật đó sẽ giúp ta bước vào tuổi già một cách bình thản hơn.

Điều đó cũng đang đến với tôi, vì tôi cũng đang bước vào cái tuổi sáu mươi bảy (1). Nếu như đôi khi tôi không chấp nhận từ trong thâm tâm là thân xác vật chất của mình đã già, xuyên qua cái con số năm tháng như vừa kể trên đây, thì tôi sẽ khổ sở lắm khi phải chấp nhận cái tình trạng hiện nay của tôi. Khi đã già, tuy rằng không phải là một cách tự lừa phỉnh lấy mình, nhưng ta cũng nên ý thức ý nghĩa thật sự của cái già là gì và từ đó rút ra những gì tốt đẹp nhất.

Hãy nên tự hỏi ta còn có thể cống hiến được gì cho cái xã hội này hay không, trong khi ta vẫn còn nhờ vả vào nó. Với những hiểu biết mà ta từng thu đạt được, nhất định là ta phải có ích lợi hơn nhiều so với những người không được sống lâu như ta. Hãy kể lại cuộc đời ta cho gia đình, cho những người thân thuộc chung quanh, chia sẻ với họ những kinh nghiệm của chính mình. Nếu ta thích gần gũi với con cháu thì trong khi chăm sóc chúng, ta hãy truyền đạt cho chúng những hiểu biết của ta và góp phần vào việc giáo dục chúng.

Nhất định là ta không nên bắt chước những người già cả suốt ngày chỉ ta thán và gây sự. Chớ nên phung phí năng lực của ta bằng cách đó. Chẳng những ta không làm cho bất cứ ai khác vui lòng mà lại còn mang tuổi già của ta để thách đố với khó khăn.
   
Ghi chú :
1- Đức Đạt-Lai Lạt-Ma thuyết giảng những lời này vào năm 2000. 


5- Lời khuyên nam và nữ giới
Đương nhiên là người đàn ông và người đàn bà khác nhau trên phương diện thể xác, và sự khác biệt đó kéo theo một vài khác biệt khác về mặt xúc cảm. Tuy nhiên cách suy nghĩ, giác cảm và tất cả các khía cạnh khác thuộc vào con người của nam và nữ giới trên căn bản đều giống nhau. Đàn ông thích nghi hơn với các công việc đòi hỏi sức lực ; phụ nữ thì lại tỏ ra hiệu quả hơn trong các công việc đòi hỏi cách lý luận cụ thể và sự khéo léo. Ngoài ra trong hầu hết các trường hợp khác, đàn ông và đàn bà hoàn toàn ngang hàng nhau trên các lãnh vực mà sự suy nghĩ giữ một vai trò then chốt. Bởi vì không có sự khác biệt căn bản nào giữa họ với nhau nên đương nhiên họ phải có những quyền lợi giống nhau và mọi sự kỳ thị đều không thể chấp nhận được. Hơn nữa, người đàn ông cần có nữ giới, và ngược lại người phụ nữ cũng cần có nam giới.
Bất cứ nơi nào quyền hạn của người phụ nữ bị chà đạp thì họ phải đứng lên tranh đấu để tự bảo vệ, và người đàn ông phải tiếp tay để bênh vực họ. Chính tôi đã từng tranh đấu trên đất Ấn từ hai mươi năm nay để người phụ nữ được đi học và giữ những chức vụ thuộc vào mọi cấp bậc, tương đương với nam giới trong xã hội.
Đối với Phật giáo thì người đàn ông hay đàn bà đều cùng hàm chứa những gì mà người ta gọi là bản thể phật hay khả năng của Giác ngộ mà không có một chút nào khác biệt. Họ nhất thiết bình đẳng với nhau. Quả thật, trong một vài truyền thống thường xuyên xảy ra một sự tách biệt nào đó. Chẳng qua thì sự tách biệt nam nữ như thế hầu hết bắt nguồn từ những nguyên nhân xã hội và văn hoá. Long thụ (Nagarjuna) (1) trong tập Bảo hành vương chính luận, và Tịch Thiên (Shantideva) (2) trong tập Nhập Bồ đề hành luận có nói đến những « khiếm khuyết trên thân xác người phụ nữ ». Nhưng phải hiểu rằng các vị ấy không hề có ý xác định người phụ nữ thuộc vào một cấp bậc thấp hơn. Lý do là hầu hết những người xuất gia thuộc nam giới, việc nêu lên những khiếm khuyết trên thân xác người phụ nữ chỉ nhắm vào mục đích duy nhất là giúp người xuất gia khắc phục những dục vọng của mình trước thân xác phụ nữ mà thôi. Ngược lại, một ni sư cũng thế, nhất định phải phân tích thân thể người đàn ông theo cùng một chiều hướng như thế.
Trong những cách tu tập thuộc vào các cấp bậc cao nhất của Kim cương thừa, chẳng những người ta không phân biệt giữa đàn ông và đàn bà, mà yếu tố nữ tính còn giữ một vai trò then chốt nữa, cho đến mức độ sự khinh miệt nữ giới sẽ bị ghép vào tội vị phạm giới luật.
       
Ghi Chú :
1- Long Thụ, thế kỷ thứ II, là một đại luận sư Phật giáo sáng lập học phái Trung quán tông (Madhyamika).
2- Tịch Thiên, một đại luận sư Ấn độ thuộc thế kỷ thứ VIII.
3- Kim cương thừa có thể xem như một đường hướng tu tập thứ ba của Phật giáo, hai thừa kia là Nam Tông và Bắc Tông. Nhưng đúng ra Kim cương thừa chỉ là một thể dạng tu tập thật tích cực của Phật giáo Bắc tông (còn gọi là Đại thừa Phật giáo). Sở dĩ gọi là Kim cương thừa vì học phái này xem bản thể tối hậu của mọi sinh linh và mọi sự vật cứng chắc như kim cương, biểu tượng của bất hoại, của Tánh không, của Hiện thực... Các phương pháp tu tập của Kim cương thừa rất khéo léo, tinh vi và tích cực, đưa đến Giác ngộ một cách nhanh chóng.


 
6- Lời khuyên người đã lập gia đình
Gia đình là đơn vị căn bản nhất của xã hội. Nếu an vui tràn ngập trong gia đình , và các giá trị nhân bản được tôn trọng, thì chẳng riêng gì cha mẹ mà cả con cháu đều được sống trong bầu không khí hạnh phúc và thư giãn, và cũng biết đâu cái không khí đó sẽ còn tiếp tục cho đến những thế hệ về sau. Nếu cha mẹ có một niềm tin tôn giáo, đương nhiên con cái cũng quan tâm đến tôn giáo. Nếu họ ăn nói lễ độ với nhau, biết sống trong đạo đức (1), yêu thương và kính trọng lẫn nhau, biết giúp đỡ kẻ khác và quan tâm đến thế giới chung quanh, thì con cháu sau này sẽ có nhiều hy vọng biết cư xử giống như họ trong cuộc sống của chúng, và chúng sẽ hành động như những con người ý thức được trách nhiệm của mình.
Ngược lại, nếu cha mẹ thường xuyên gây gỗ và thoá mạ lẫn nhau, phát lộ thành hành động tất cả những gì hiện ra trong tâm trí họ và không hề biết kính trọng lẫn nhau, thì chẳng những họ không bao giờ biết hạnh phúc là gì mà dĩ nhiên con cái họ sẽ phải gánh chịu những hậu quả mà họ gây ra.
Với tư cách của một người Phật giáo, tôi vẫn thường nói với người Tây tạng rằng nếu thật sự có một nơi mà người ta có thể nỗ lực để tái lập và phát huy những lời giáo huấn của Đức Phật, thì nơi ấy nhất định là khung cảnh gia đình. Chính gia đình là nơi mà bậc cha mẹ cần phải bộc lộ niềm tin của mình, đấy là nơi tốt nhất để cảm hoá con cái bằng cách tự biến mình thành những người hướng dẫn tinh thần cho chúng. Không phải chỉ cần trỏ cho con cái những ảnh tượng và giải thích cho chúng đấy là những vị thần linh nào, nhưng phải giải thích một cách cặn kẻ hơn : đây là vị thánh nhân tượng trưng cho lòng từ bi, đây là vị thần linh của trí tuệ tối thượng, và cứ tiếp tục giải thích như thế cho chúng. Nếu bậc cha mẹ càng hiểu thấu đáo giáo huấn của Đức Phật, thì họ sẽ càng ảnh hưởng một cách tích cực hơn đến con cái. Điều ấy cũng đúng với các truyền thống tinh thần khác hay các tôn giáo khác.
Gia đình này sẽ ảnh hưởng đến gia đình kia, và tiếp tục ảnh hưởng thêm một gia đình khác nữa, cứ thế sẽ nhân lên thành mười, một trăm, một ngàn, và sau cùng là toàn thể xã hội sẽ trở nên vững vàng hơn.
Các xã hội tân tiến ngày nay không hẳn là những xã hội thật lành mạnh. Nhưng nếu như một số người cứ nhất quyết cho rằng con người trong các xã hội ấy không còn biết kính trọng gì cả thì trong những xã hội kém kỹ nghệ hoá hơn, hãy tự hỏi con người có hành động ý thức hơn hay không ? Vì thế ta cần phải thận trọng khi đưa ra những loại xét đoán như  trên đây.
Nhiều vùng đất Ấn độ thuộc vùng Hy mã Lạp sơn rất hiểm trở nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi những tiến bộ kỹ thuật hiện đại. Tại các nơi này trộm cắp và tội phạm ít xảy ra hơn, con người chấp nhận và vui sống với những gì họ có, thậm chí có những nơi khi đi vắng , người ta để vẫn cửa bỏ ngõ, nếu có người viếng thăm thì cứ tự tiện lưu lại và nghỉ ngơi chờ khi người nhà quay về. Ngược lại, trong các thành phố lớn, chẳng hạn như ở Delhi, tội phạm xảy ra rất nhiều và con người chẳng bao giờ biết an phận, vì thế mà khó khăn cứ tiếp tục gia tăng và chồng chất lên nhau. Tuy nhiên theo quan điểm của tôi thì thật là sai lầm nếu cứ mang những tệ hại ấy làm tiêu đề để kết án sự phát triển kinh tế và chủ trương phải đem xã hội đi thụt lùi lại. Sự hoà thuận và kính trọng kẻ khác trong các xã hội truyền thống thường là do sự sống còn áp đặt và một phần cũng vì muốn an phận, không nhìn thấy những cách sống khác hơn. Cứ hỏi những người du mục Tây tạng xem họ có muốn tìm được một nơi ấm áp để trốn cái giá rét của mùa đông hay không, họ có thèm muốn những cái lò sưởi tân tiến không bốc khói mù mịt bám đen cả túp lều và các vật dụng của họ hay không, họ có muốn được chăm sóc khi đau ốm và được ngồi xem truyền hình để nhìn những gì đang xảy ra ở những nơi tận cùng của thế giới hay không?  Tôi tự cho là có thể đoán được câu trả lời của họ.
Phát triển kinh tế và tiến bộ kỹ thuật là những gì thật tốt và thật cần thiết. Đó là kết quả phát sinh từ nhiều yếu tố phức tạp mà ta không nhận thấy hết, nếu cho rằng chận đứng những tiến bộ kỹ thuật sẽ giải quyết được tất cả mọi khó khăn thì quả thật là một cách suy nghĩ hết sức ngây thơ. Tuy thế nhất định ta cũng không nên phó mặc cho tiến bộ phát triển một cách vô ý thức. Tiến bộ phải đi kèm với những giá trị đạo đức. Chính đó là trách nhiệm của con người nói chung mà trong đó có chúng ta, và trách nhiệm ấy là phải đem ra thực hiện đồng loạt hai đường hướng song hành trên đây. Đó chính là chiếc chìa khóa giúp chúng ta bước vào tương lai. Khi một xã hội đủ sức kết chặt được những tiến bộ vật chất và những nỗ lực tâm linh thì lúc ấy mới có đủ khả năng mang lại hạnh phúc thật sự.
Làm thế nào để có thể thực hiện một xã hội như thế ? Tôi không nghĩ rằng phải nhờ vào chùa chiền và tu viện nguy nga. Cũng không phải chỉ đơn giản dựa vào trường học là cũng đủ. Chính gia đình phải đứng ra đảm trách vai trò then chốt đó. Nếu một gia đình biết sống trong an vui và mọi người trong gia đình ấy ngoài phần kiến thức còn thực hiện được những giá trị đạo đức, biết sống ngay thật và vị tha, thì khi đó mới có thể nghĩ đến việc kiến tạo một xã hội theo đúng nghĩa của nó. Theo tôi, gia đình nắm giữ một vai trò vô cùng lớn lao.
Điều thật cần thiết là con cái phải được nẩy nở thật sự, phát huy được những phẩm tính căn bản của con người, biết cư xử một cách cao thượng, đủ sức mạnh tinh thần để tương trợ lẫn nhau, để nhận biết sự tương quan với những người chung quanh và tự biến mình thành một tấm gương cho kẻ khác soi vào. Được như thế thì khi những đứa trẻ lớn lên và tìm được nghề nghiệp sinh sống, chúng sẽ có đủ khả năng để giáo dục cho các thế hệ kế tiếp. Nếu sau này chúng có trở thành những vị giáo sư lọm khọm với những cặp kính dày cộm, thì chắc hẳn các vị ấy cũng không đến nỗi quên mất những năm tháng của chuỗi ngày thơ ấu. Tôi vẫn luôn tin như thế.
Nếu gia đình muốn thành công trong trọng trách này thì ngay từ lúc khởi đầu, người đàn ông và người đàn bà không nên kết hợp với nhau dựa trên sự bám víu duy nhất vào sắc đẹp thể xác, vào âm thanh của giọng nói, hay là những thể dạng khác bên ngoài. Họ phải cố gắng tìm hiểu nhau. Nếu cả hai khám phá ra một số phẩm tính nào đó của nhau và đều cùng cảm thấy một tình yêu chung, đi song đôi với một sự tương kính và quý trọng, thì khi đó sự kết hợp giữa họ mới có nhiều may mắn đưa đến hạnh phúc lâu bền.
Ngược lại nếu sự kết hợp duy nhất bằng dục vọng, bằng thèm khát nhục dục, giống như sự thèm khát trước một người gái điếm, không cần biết tánh tình của nhau, không cần phải tỏ lộ sự kính trọng, thì khi đó họ chỉ có thể tiếp tục yêu nhau khi dục vọng còn đủ mãnh liệt. Một khi những kích thích do sự mới lạ bị nhàm chán và khi tình yêu không còn đi đôi với sự quý mến lẫn nhau một cách sâu đậm nữa, thì lúc ấy việc sống chung sẽ trở thành một thứ gì thật khó khăn. Tình yêu như thế chỉ là một thứ tình yêu mù quáng. Sau một thời gian sẽ không còn là tình yêu nữa mà là một cái gì ngược hẳn lại. Nếu hai vợ chồng có con cái thì có thể chúng sẽ lâm vào cảnh thiếu tình thương. Thật hết sức quan trọng phải nghĩ đến điều này trước khi sống chung với một người khác.
Một hôm tại San Francisco tôi gặp được một vị cố đạo Thiên chúa giáo thường giúp các bạn trẻ chuẩn bị lập gia đình. Ông ta khuyên những người trẻ là họ cần nên quen biết một số đông bạn trai gái trước đã, rồi sau đó mới lựa chọn. Nếu cứ nhắm mắt chọn ngay người hôn phối sau một lần gặp gỡ đầu tiên thì sẽ có cơ nguy bị nhầm lẫn. Tôi thấy điều này rất đúng.
Cũng không nên quên là khi đã lấy nhau, thì kể từ giây phút đó một người sẽ trở thành hai. Ngay những lúc còn sống một mình, những gì mình suy nghĩ vào lúc chiều tối cũng đã khác với những gì suy nghĩ vào buổi sớm mai. Vì thế cũng không cần phải nhắc lại ở đây là những bất đồng chính kiến có thể đến vào bất cứ lúc nào. Nếu người này hay người kia chỉ biết bảo vệ ý kiến của mình mà không quan tâm đến ý kiến của người bạn phối ngẫu, thì sinh hoạt lứa đôi không thể tiến hành tốt đẹp được. Từ giây phút khởi sự sống chung với một người khác, ta phải đối xử bằng sự trìu mến và phải quan tâm đến những suy tư của người ấy. Mỗi người đều gánh lấy một phần trách nhiệm chung, dù cho bất cứ gì sẽ xảy ra cho nhau. Cuộc sống lứa đôi không phải là công việc riêng của một người.
Người đàn ông phải làm cho người đàn bà vui lòng và người đàn bà phải làm cho người đàn ông vui lòng. Nếu người này hay người kia không làm được những gì mà cả hai chờ đợi lẫn nhau, thì lối thoát duy nhất có thể hình dung được là sự bất hòa và cảnh chia ly. Khi chưa có con cái thì sự chia ly vẫn chưa hẳn là một thảm hoạ. Chỉ cần kéo nhau ra toà tòa, điền vào những mẫu khai in sẵn, chỉ đơn giản phung phí một ít giấy thế thôi. Nhưng nếu đã có con cái thì suốt đời chúng sẽ cảm thấy một nỗi đau buồn xót xa nào đó.
Rất nhiều cặp vợ chồng ly dị nhau. Có thể họ cũng có lý, nhưng theo ý tôi trước nhất hãy làm tất cả những gì có thể làm được để tiếp tục sống hạnh phúc với nhau. Nhất định điều đó đòi hỏi nhiều cố gắng và suy tư. Nếu sự chia ly không thể tránh được, tốt nhất nên hành động một cách êm thắm, không gây ra buồn khổ cho kẻ khác.
Vì thế nếu ta đã quyết định sống chung với một người nào đó thì phải thật tâm và không nên hấp tấp. Một khi đã sống với nhau, hãy suy nghĩ đến trách nhiệm mà cuộc sống lứa đôi đòi hỏi. Gia đình là chuyện nghiêm túc. Hãy làm tất cả những gì có thể làm được để mang lại hạnh phúc cho gia đình, hãy chu cấp cho gia đình được đầy đủ, giáo dục con cái và bảo đảm hạnh phúc cho chúng trong tương lai.
Hãy đặt phẩm lên trên lượng. Cái quy tắc ấy phải được áp dụng cho bất cứ cảnh huống nào trong cuộc sống. Trong một tu viện, dù cho số người tu hành không đông nhưng nếu họ là những người đứng đắn thì luôn vẫn hơn. Trong một trường học điều quan trọng không phải là thu nạp một số học trò đông đảo mà chính là sự giáo dục phải được thực hiện tốt. Trong một gia đình, điều cốt yếu không phải là có nhiều con mà phải có những đứa con lành mạnh và không hư hỏng.

Ghi chú :
1- Sống trong đạo đức, theo định nghĩa Phật giáo mà Đức Đạ-Lai Lạt-Ma thường thuyết giảng là tránh không được làm bất cứ gì có hại đến người khác.


7- Lời khuyên người độc thân

Có nhiều loại người độc thân. Có những người tu hành nguyện sống một cuộc đời trinh bạch và cũng có những người thế tục không thích cuộc sống lứa đôi ; có những người quyết tâm chọn một cuộc sống độc thân nhưng cũng có người phải rơi vào hoàn cảnh đơn độc ngoài sự mong muốn của mình ; có những người độc thân sống trong hạnh phúc nhưng cũng có những người độc thân buồn khổ.

Đời sống lứa đôi mang đến nhiều lợi điểm nhưng đồng thời cũng tạo ra vô số khó khăn. Phải hy sinh nhiều thời giờ cho người phối ngẫu, cho con cái, và phải tiêu xài thật hao tốn, phải làm việc nhiều hơn, phải giao du với một gia đình khác v. v.

Những người sống một mình thường có đời sống đơn giản hơn. Họ chỉ cần nhét đầy một bao tử duy nhất, trách nhiệm của họ ít hơn và họ tự do muốn làm gì thì làm. Nếu muốn tìm hiểu hay bước theo một con đường tâm linh, thì họ tự do đi đến bất cứ nơi nào để tìm hiểu những gì họ muốn. Họ chỉ cần một va-li bên người và dừng lại bất cứ đâu, lưu lại nơi ấy bao lâu tùy thích. Cuộc sống độc thân có thể rất hữu ích trong chiều hướng đem đến cho ta tự do và nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện những ước vọng của mình. Trong khuôn khổ của một người tu hành thì cuộc sống độc thân như thế mang đầy ý nghĩa và tôi sẽ trở lại vấn đề này trong các đoạn sau.

Trường hợp vừa kể trên đây nhất định là trường hợp của những người tự ý sống độc thân. Có một số người đàn ông phải sống cô độc vì tuyệt vọng không tìm ra được một người bạn đời nào cả. Nhiều người đàn bà thèm muốn chết đi được, nhưng lại không gặp một người đàn ông lý tưởng nào. Nói chung là họ không thực hiện được ước nguyện của đời mình. Những khó khăn của họ đôi khi vì lý do họ tập trung quá đáng vào chính mình và đòi hỏi quá nhiều ở kẻ khác. Nếu biết dần dần chọn một thái độ ngược lại, mở rộng lòng mình với kẻ khác, đồng thời đừng xem những khó khăn của mình là quan trọng, tự nhiên họ sẽ thu hút được phản ứng tích cực của kẻ khác. Nếu không thì cũng chẳng biết phải khuyên họ những gì bây giờ ? Chẳng lẽ bảo họ phải trang điểm nhiều hơn nữa nếu đó là một người đàn bà ? Phải tập thể dục cho bắp thịt căng to hơn nữa nếu đấy là một người đàn ông ? Tôi chỉ nói đùa thế thôi. (Ngài cười to).



8- Lời khuyên người sống tập thể

Đời sống tập thể, nếu được tổ chức dựa vào sự tự nguyện, thì theo tôi đó là một điều rất tốt. Sống tập thể rất chính đáng vì bản chất con người là lệ thuộc vào nhau, người này với kẻ khác. Sống tập thể cũng giống như sống trong một gia đình rộng lớn, vì cách sống như thế phù hợp với nhu cầu của mỗi người. Ta gia nhập một tập thể vì nhìn thấy một số phấm tính nào đó trong tập thể ấy. Mọi người chung sức với nhau, mỗi người hoàn tất công việc hàng ngày của mình và đồng thời cũng nhận được thành quả từ sự cố gắng của kẻ khác. Theo tôi đấy là một giải pháp mang tính cách thực tiễn.

Trong bất cứ một nhóm người nào cũng luôn có những bất đồng chính kiến. Tôi xem đấy là một điều thuận lợi. Càng va chạm với nhiều quan điểm khác biệt, ta càng có dịp được học hỏi thêm những gì mới lạ từ kẻ khác và cải thiện được những hiểu biết của chính mình. Nếu ta chống lại những kẻ suy nghĩ khác với mình, thì mọi sự sẽ trở nên khó khăn. Đừng bám chặt vào những ý nghĩ riêng tư mà hãy đối thoại với kẻ khác bằng một thái độ cởi mở. Như thế ta sẽ có dịp so sánh những ý tưởng khác nhau và từ đó sẽ phát sinh một quan điểm mới.

Bất cứ nơi nào, dù trong gia đình hay trong những tập thể khác của xã hội, việc đối thoại với nhau thật quan trọng. Ngay từ buổi thiếu thời, khi có sự cãi vã xảy ra, nên tránh tức khắc những ý nghĩ tiêu cực, đừng tự nhủ « Phải tìm cách để loại bỏ tên này mới được ». Dù không cư xử đến cái mức độ tiếp tay cho kẻ ấy, nhưng ít ra cũng nên lắng nghe xem hắn muốn bày tỏ điều gì. Hãy tập làm quen với cách cư xử như thế. Nơi trường học, trong gia đình, nếu như có sự cãi vã bùng nổ, hãy tái lập ngay việc đối thoại và dựa vào sự trao đổi ngôn từ để suy nghĩ thêm.

Chúng ta thường có thói quen cho rằng khi đã bất đồng chính kiến tất nhiên phải có sự xung đột, và khi đã xung đột thì nhất định sau cùng sẽ có kẻ thua người thắng, hoặc giống như người ta thường nói, sự xung đột sẽ chấm dứt khi nào có một niềm kiêu hãnh bị chà đạp. Tránh đừng nhìn mọi sự dưới khía cạnh như thế. Luôn luôn nên cố gắng tìm một phương thức thỏa thuận. Cần nhất là phải quan tâm tức khắc đến quan điểm của kẻ khác và nhất định ta có đầy đủ khả năng để làm được việc ấy.


9- Lời khuyên người sung túc

Khi gặp những người giàu có, tôi thường hay nói với họ rằng theo những lời giáo huấn của Đức Phật thì đó là một dấu hiệu tốt. Đấy là quả của những gì xứng đáng, là một bằng chứng cho thấy trước đây họ từng là những người rộng lượng. Tuy nhiên sự giàu có ấy không hẳn là luôn đi đôi với hạnh phúc. Nếu đúng như thế thì càng giàu người ta phải càng hạnh phúc hơn.

Trên căn bản và về phương diện cá nhân con người thì không có gì khác biệt giữa người giàu có và những kẻ khác. Dù cho gia tài có kếch sù mấy đi nữa, họ cũng không thể ăn nhiều hơn người khác vì mỗi người cũng chỉ có một dạ dày ; hai bàn tay cũng chỉ có từng ấy ngón mà chẳng có thêm ngón nào để đeo nhiều nhẫn hơn. Đương nhiên là họ có thể uống các thứ rượu vang và rượu mạnh thuộc loại tinh chế và đắt tiền, ăn những thức ăn tuyệt hảo. Nhưng tiếc thay, thường thì những thứ ấy chỉ làm hại cho sức khoẻ của họ nhiều hơn mà thôi. Những người không cần làm việc nặng nhọc thì phải lại tập thể dục nhằm loại bớt năng lượng dư thừa để ngừa chứng phì nộm và bịnh tật phát sinh. Chẳng hạn như tôi đây, không có dịp ra ngoài thường xuyên nên phải đạp xe đạp trong nhà ! Hãy suy nghĩ cho kỹ, chẳng cần phải giàu có để rơi vào cái cảnh ấy đâu ! (Ngài bật cười to).

Nhất định là có những xúc cảm thích chí khiến ta thốt lên : « Tôi giàu thực sự ! ». Câu nói ấy đem đến hứng khởi và ta phóng một hình ảnh thú vị về cái ta vào xã hội này. Tuy nhiên những thứ ấy có đáng hay không, so với những những căng thẳng và lo âu phát sinh từ việc tích lũy và khuếch trương tài sản của mình ? Biến một số người trong gia đình và xã hội thành ra kẻ thù, tạo cho kẻ khác mối ganh tỵ và ác cảm. Riêng ta thì luôn phải sống trong lo âu và rơi vào tư thế phải thường xuyên phòng thủ.

Theo tôi, lợi điểm duy nhất của sự giàu có là khả năng giúp đỡ kẻ khác. Đồng thời trong bối cảnh xã hội thì ta cũng giữ một vai trò quan trọng hơn và có nhiều ảnh hưởng hơn. Nếu ta biết nghĩ đến những điều tốt lành thì ta sẽ làm được rất nhiều việc phải. Nhưng ngược lại, nếu là một người xấu bụng thì chính ta sẽ gây ra nhiều điều sai trái.

Tôi vẫn thường nói rằng chúng ta phải nhận lãnh trách nhiệm liên quan đến quả đất này. Nếu ta có đầy đủ điều kiện, chẳng hạn như sự giàu có, để thực hiện một điều gì đó hữu ích , nhưng ta lại không làm, như thế rõ ràng ta là một người vô ý thức.

Mỗi ngày ta thừa hưởng thực phẩm và những tiện nghi do kẻ khác tạo ra, hay trồng trọt thay ta. Khi đã đủ sống thì đến lượt ta phải biết giúp đỡ cho phần còn lại của thế giới này. Không có gì buồn thảm hơn khi sống trong xa hoa mà không góp phần để mang lại hạnh phúc cho những người kém may mắn hơn. Nên hiểu rằng có những người thật hết sức nghèo khó chung quanh ta. Nhiều người không có gì để ăn, không có nhà để ở, đấy là chưa nói đến việc giáo dục và thuốc men khi đau ốm. Nếu ta giàu có mà chỉ biết lo cho ta mà thôi thì những người phải sống trong cơ hàn sẽ nghĩ thế nào về ta ? Những người lam lũ từ sáng đến chiều nhưng vẫn không đủ ăn sẽ phản ứng ra sao khi nhìn thấy kẻ khác sống trong cảnh dư thừa mà chẳng cần động đến móng tay ? Có phải là chúng ta đã biến họ trở thành những người ganh tị và chỉ biết cảm thấy chua chát trong lòng hay chăng ? Có phải chúng ta đã đẩy họ dần vào cảnh hận thù và hung bạo ?

Nếu có nhiều tiền của thì cách tốt nhất là đem của cải ấy để giúp đỡ người nghèo, những người đang đau khổ, và trên bình diện rộng lớn thì đấy là cách giải quyết khó khăn và giúp cho mọi người cùng chung sống trên quả đất này được hạnh phúc hơn. Giúp đỡ người nghèo khó không có nghĩa đơn giản là cho họ tiền. Giúp đỡ họ có nghĩa là tạo điều kiện để họ được hưởng giáo dục và tự chăm sóc lấy họ, tức là giúp họ đủ sức để tự chu cấp những nhu cầu của họ.

Sống trong sung túc riêng cho mình thì quả chẳng có ích lợi gì cả. Thay vì sống và phung phí tiền bạc để mua lấy sự xa hoa vô bổ thì hãy nên sử dụng tiền của ấy vì kẻ khác. Nếu ta tìm thấy thích thú khi vứt tiền qua cửa sổ, hay nướng những số tiền khổng lồ vào các canh bạc, thì cũng không có lý do gì để trách cứ ai nếu đấy là tiền do chính mình làm ra và không làm hại đến ai cả.  Tuy nhiên thật ra đấy cũng chỉ là một cách tự lừa dối mình và phung phí sự hiện hữu của chính mình mà thôi.

Dù giàu có đi nữa thì cũng nên ý thức rằng ta cũng chỉ là một con người mà thôi, và trên danh nghĩa con người thì ta nào có gì khác biệt với một người nghèo khó : tất cả đều có một nhu cầu chung về một niềm hạnh phúc phong phú trong nội tâm, và cái hạnh phúc ấy thì không có đồng tiền nào mua được.

Trong thời buổi này, cái hố phân cách giữa những người quá dư thừa và những kẻ không có gì cả càng trở nên sâu hơn. Trong vòng hai mươi năm gần đây, it nhất đã có thêm năm trăm nhà tỉ phú mới. Trước đây con số tỉ phú chỉ vỏn vẹn có mười hai người vào năm 1982. Trong số những nhà tỉ phú mới, có đến hơn một trăm người gốc Á châu. Người ta vẫn thường cho Á châu là một vùng nghèo đói, nhưng thực ra thì cũng có vô số người ở Âu châu và Mỹ châu hiện nay chẳng có một xu dính túi. Vấn đề này cho thấy sự nghèo đói không còn liên hệ gì với sự tương phản giữa Đông và Tây phương.

Những hệ tư tưởng lớn, chẳng hạn như cộng sản, đã hoàn toàn thất bại trong ý đồ ép buộc người giàu phải cống hiến những gì họ có để làm của chung. Hiện nay, con người phải tự mình nhận lấy trách nhiệm đùm bọc lẫn nhau. Điều đó nhất định đòi hỏi phải thay đổi thật sâu xa cách suy nghĩ của mình, tức phải có một nền giáo dục mới.

Nhìn vào khía cạnh lâu dài thì người giàu sẽ chẳng được lợi lộc gì cả khi họ góp phần làm suy đồi tình trạng chung trên thế giới. Họ sẽ phải tự che thân trước sự oán hận của người nghèo và sống trong lo sợ ngày càng nhiều hơn, đó cũng là tình trạng đã xảy ra tại một số quốc gia. Một xã hội mà người giàu thì quá giàu, người nghèo lại quá nghèo ắt sẽ sinh ra hung bạo, tội ác và nội chiến. Những kẻ khuấy rối sẽ khích động dễ dàng những người khốn khổ bằng cách lừa dối rằng chính mình là người đứng ra tranh đấu cho họ. Đủ mọi thứ hỗn loạn sẽ theo đó mà sinh ra.

Nếu bạn giàu có và biết giúp đỡ người nghèo chung quanh, và nếu nhờ đó mà họ có sức khoẻ và có phương tiện để phát triển tài năng và sự hiểu biết của họ, thì rồi đây họ sẽ đền đáp lại bằng chính tình yêu thương của họ. Làm được như thế thì dù bạn là người giàu có đi nữa thì bạn vẫn có thể trở thành một người bạn của kẻ nghèo khó. Nếu bạn có gặp thảm họa thì họ cũng sẽ chia sẻ sự xót xa với bạn. Nhưng ngược lại, nếu bạn chỉ biết thu mình trong ích kỷ và không hề biết chia sẻ là gì thì họ sẽ hận thù bạn và vui mừng khi thấy bạn khổ đau. Tất cả chúng ta đều là những con người sống tập thể trong xã hội. Khi bối cảnh chung quanh thân thiện thì đương nhiên chúng ta sẽ tìm thấy sự tự tin và sống trong hạnh phúc.
 

[Trích trong quyển: “Những lời khuyên tâm huyết” (Conseils du coeur) của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma, sách được thực hiện với sự hợp tác của MATTHIEU RICARD, CHRISTIAN BRUYAT chuyển ngữ từ tiếng Tây Tạng, nhà xuất bản PRESSE DE LA RENAISSANCE, Paris 2001, HOANG PHONG chuyển ngữ Pháp – Việt, 2009]

Bản chuyển ngữ đầy đủ tại đây:

https://docs.google.com/viewer?url=http://www.quangduc.com/xuan/xuan2010/54.loikhuyentamhuyet-dalailama.pdf&pli=1
1- Lời khuyên chung cho tất cả mọi người
2- Lời khuyên cho tuổi trẻ
3- Lời khuyên người đã trưởng thành
 4- Lời khuyên người lớn tuổi
 5- Lời khuyên nam và nữ giới
 6- Lời khuyên người đã lập gia đình
 7- Lời khuyên người độc thân
 8- Lời khuyên người sống tập thể
 9- Lời khuyên người sung túc


NHỮNG LỜI KHUYÊN TÂM HUYẾT CỦA ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA 

Trích trong quyển: “Những lời khuyên tâm huyết”
(Conseils du coeur) của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma,
sách được thực hiện với sự hợp tác của
 MATTHIEU RICARD, CHRISTIAN BRUYAT
 chuyển ngữ từ tiếng Tây Tạng, nhà xuất bản
 PRESSE DE LA RENAISSANCE, Paris 2001,
 HOANG PHONG chuyển ngữ Pháp – Việt, 2009

Lời tựa
Tại nơi cư trú của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma trên đất Ấn, từ cửa sổ nhìn xuống là những cánh đồng bao la trải rộng tận cuối chân trời. Về phía bắc là các đỉnh núi tuyết phủ trắng gợi lại cho những người đến viếng thăm những cảnh quang cũ của xứ Tây tạng, chỉ cách nơi này vài trăm cây số theo đường chim bay, tuy thật gần nhưng cũng lại thật xa.Một sự yên lặng an bình tỏa rộng chung quanh. Nơi đây mọi người đều nói với nhau rất ít và nếu có thốt ra điều gì thì nói thật nhỏ nhẹ, vì dường như tất cả đều ý thức được sự kiêu căng trong những lời vô ích. Sự yên lặng chỉ tan biến khi bật lên một tràng cười giòn của Ngài « Kundun » có nghĩa là « Sự hiện hữu », đấy là danh hiệu mà người Tây tạng dùng để gọi Đức Đạt-Lai Lạt-Ma với tất cả lòng trìu mến và kính trọng.Thật ra thì trong một năm, Ngài phải dành ra nhiều tháng để đáp lại tấm chân tình của những người ước vọng ủng hộ chính nghĩa Tây tạng, đang bị bóp nghẹt trong gọng kìm cay nghiệt của độc tài Trung quốc và bị các nền dân chủ bỏ rơi vì tham thị trường mới mà không cần biết đến công lý là gì. Con Người bước trên đường hành hương vì hoà bình ấy không bao giờ biết mệt, Ngài bị cuốn vào một cơn lốc sinh hoạt triền miên mà ngay cả những lúc nghỉ ngơi nếu có thì cũng phải tính từng phút một. Tuy nhiên, dù làm việc vượt cả sức người, Ngài Kundun lúc nào cũng giữ được sự trong sáng và thái độ ân cần không bao giờ lay chuyển. Lúc nào cũng thế, trước mặt mọi người, dù là một người bạn lâu đời, một khách viếng thăm hay một kẻ lạ gặp ở phi trường, Ngài đều tỏ ra ân cần, hiển lộ qua toàn thể thân xác Ngài, bằng những cái nhìn thật đặc biệt với đôi mắt hiện lên lòng tốt, sự đơn sơ và rất nhiều hóm hỉnh.Thông điệp của Ngài lúc nào cũng chỉ là một, Ngài lập đi lập lại không biết mệt với những ai muốn lắng nghe Ngài rằng : « Tất cả mọi sinh linh, kể cả những người đang hận thù ta, đều e sợ khổ đau và ước mong hạnh phúc. Tất cả đều ngang hàng với chúng ta, đều có quyền đạt được hạnh phúc và xa lìa khổ đau. Hãy quan tâm đến tất cả mọi người một cách thành thật, đối với bạn hữu cũng như kẻ thù. Đấy là căn bản sơ đẳng nhất của lòng từ bi ».Cách nay vài năm, ông Alain Noël, giám đốc nhà xuất bản Presses de la Renaissance, có khẩn khoản xin Đức Đạt-Lai Lạt-Ma viết một quyển « di chúc tinh thần ». Tuy nhiên, vì lý do tất cả chúng tôi trong thâm tâm đều mong muốn là Ngài sẽ sống lâu hơn trăm tuổi, cho nên muốn giữ điềm lành đó được trọn vẹn và sau khi suy nghĩ kỹ, chúng tôi chỉ xin Ngài một loạt bài gồm những lời khuyên đơn giản, có thể mang lại chút gì đó cho mỗi người, dù tánh tình của họ ra sao, địa vị xã hội và nghề nghiệp của họ như thế nào. Thật hết sức tình cờ là ý kiến này cũng đã có ở Tây tạng, tức là các lời khuyên của các vị đại sư thường được gom thành những pho sách mang tựa đề « Những lời khuyên tâm huyết ». Thế là tựa đề và cả hình thức của quyển sách này đã sẵn sàng.Đức Đạt-Lai Lạt-Ma có rất ít thì giờ dành vào việc giao tiếp, vì thế chúng tôi thiết nghĩ nên lập trước một danh sách gồm nhiều chủ đề dự trù để tùy ý Ngài sẽ bỏ bớt hay triển khai thêm. Sau cùng Ngài lại thêm vào danh sách đó một số chủ đề mà chúng tôi không ngờ tới, đấy là những chủ đề mà Ngài hằng ấp ủ trong tim, chẳng hạn như về các tù nhân và những người đồng tính luyến ái.Lời Ngài thốt ra có lúc thật nghiêm trọng, đôi khi rất hồn nhiên và vui tươi, có lúc lại rất kiên quyết hoặc tư lự và thỉnh thoảng bật lên những tràng cười dòn dã. Những lời của Ngài thật tự nhiên, không hề chủ tâm làm vui lòng bất cứ một ai, và trong những lời nói đó đã hiện lên một sự lo lắng sâu xa về những khó khăn của con người cùng những cái nhìn không thiếu sự nghiêm khắc đối với họ.Người ta thường biết là Đức Đạt-Lai Lạt-Ma nói rất thẳng và hoàn toàn không có một tham vọng về bất cứ một điều gì thuộc cá nhân Ngài hay thuộc về Phật giáo. Ngài vẫn thường nói rằng « Tôi chỉ là một nhà sư ». Mục đích duy nhất là chia sẻ những kinh nghiệm riêng của chính Ngài với mọi người để cầu mong họ đạt được hạnh phúc bằng những cách thực tiễn nhất mà Ngài có thể làm được.Ngài không dùng những thuật ngữ lắt léo hay những ngôn từ tối nghĩa để che đậy những gì khó nói hay những lúc do dự. Nếu có một vấn đề nào mà Ngài không thấy một giải đáp minh bạch, hoặc điều đó không phù hợp với sự thực mà Ngài cảm nhận một cách sâu xa trong lòng, thay vì khéo léo che giấu những điều ấy bằng cách đánh trống lãng hay dùng những câu trả lời rỗng tuếch, thì Ngài phô bày thẳng thắn sự bối rối của Ngài bằng cách ném thẳng một câu cộc lốc : « Tôi không biết », khiến cho mọi người chưng hửng và bật cười.Đối với những người hiểu Ngài đôi chút, thì những câu trả lời và cách trả lời như thế đã phản ảnh đích thực cho thấy Ngài là như thế và Ngài đã nghĩ như thế. Ngài không bao giờ tìm cách lắt léo để tỏ ra khác hơn.Những lời khuyên của Ngài rất đơn giản vì Ngài nghĩ rằng rắc rối chẳng có ích lợi gì cả. Một số người cho rằng quả là một điều thật ngây thơ khi cứ nhắc đi nhắc một cách chán ngấy rằng con người cần phải có « lòng tốt », tuy thế sự quan tâm của Ngài lại hết sức phù hợp với thực tế : Bản tính con người nói chung một mặt thì thiếu lòng từ tâm, mặt khác lại không chịu trau dồi phẩm tính căn bản ấy trong lòng. Như vậy thì đề cập đến chuyện hoà bình thế giới hay những chủ đề lớn lao khác cũng giống như nói chuyện phiếm vô tích sự mà thôi.Đức Đạt-Lai Lạt-Ma khích lệ chúng ta hãy triển khai lòng tốt và tình thương yêu mà Ngài luôn luôn quả quyết là những phẩm tính ấy đều đã có sẵn trong lòng mỗi con người chúng ta. Ngài kêu gọi chúng ta hãy nhìn vào những kinh nghiệm thường nhật để nhận thấy cần phải « trở thành một người tốt » thì mới có thể thừa hưởng được những gì tốt đẹp nhất trong sự hiện hữu của con người. Ngài luôn luôn đặt nặng « trách nhiệm toàn cầu », và ý thức mỗi người, với tư cách là thành viên của gia đình nhân loại, đều có thể trở thành một người thợ xây đắp cho hoà bình và bảo vệ chúng sinh. Ngài vẫn thường nói rằng: « Sự giải giới vũ khí bên ngoài cần phải đi đôi với sự giải giới vũ khí bên trong ».Sự giản dị trong các lời nói của Ngài có mục đích giúp chúng ta nhìn thấy những gì cốt yếu. Vì vậy ta không nên vin vào đó mà đánh giá Ngài không đủ khả năng để diễn đạt những ý tưởng sâu xa hay khúc triết. Khi có một lời giáo huấn hay một mẫu đối thoại nào thuộc lãnh vực triết học, siêu hình hay các vấn đề tâm linh, Đức Đạt-Lai Lạt-Ma sẽ biểu lộ những quan điểm vô cùng phong phú của Ngài mà chiều sâu có thể làm cho những học giả lỗi lạc nhất phải chao đảo.Vào tháng ba năm 2000, từ nơi cư ngụ, và trong tinh thần trình bày trên đây, Đức Đạt-Lai Lạt-Ma đã gửi gấm cho chúng ta những « lời khuyên tâm huyết ». Ngài giảng bằng tiếng Tây tạng và được thu âm, sau đó được Cristian Bruyat và tôi chuyển ngữ. Trong một bầu không khí thoải mái, thân mật và hồn nhiên, Ngài đã nói lên những gì có thể ứng dụng ngay cho tất cả mọi người, trong mục đích phát huy một « đời sống tinh thần cho người thế tục », và cố tình tránh né tối đa những khái niệm đặc thù của Phật giáo, nếu có thể được. Nếu chúng ta đủ sức hấp thụ, dù chỉ là một phần nhỏ những lời khuyên của Ngài vào tư duy và hành động của chúng ta, thì thật cũng nên lấy đó làm một điều vui mừng.Matthieu Ricard
Tu viện Schéchèn, Népal
16 tháng 6, năm 2001

11 tháng 11, 2010

Tôn Giáo Nào Tốt Nhất

Tôn Giáo Nào Tốt Nhất và câu trả lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma...

                                                                                                                           Sưu tập từ Internet

9 tháng 11, 2010

Lời Phật Dạy

 Một thời Thế Tôn du hành giữa dân chúng Kosala, tại thị trấn của người Kàlàmà, ở Kesaputta. Rồi các người Kàlàmà đi đến đảnh lễ, ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn: 

Có một số Sa môn, Bà là môn, bạch Thế Tôn, đi đến Kesaputta. Họ làm sáng tỏ và là chói sáng quan điểm của mình nhưng họ lại bài xích, khinh miệt, chê bai và xuyên tạc quan điểm của người khác. Chúng con có những nghi ngờ và phân vân trong những vị này, ai nói sự thật, ai nói sai sự thật ? 

Này các Kàlàmà, chớ vội tin vì nghe truyền thuyết, chớ vội tin vì theo truyền thống, chớ vội tin vì được kinh điển truyền tụng, chớ vội tin vì lý luận siêu hình, chớ vội tin vì đúng theo một lập trường, chớ vội tin vì phù hợp với định kiến, chớ vội tin vì xuất phát từ nơi có uy quyền và chớ vội tin vì vị Sa môn nói ra những lời ấy là bậc đạo sư của mình. 

Này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau: Các pháp này là bất thiện, là tội lỗi; các pháp này bị những người có trí chỉ trích; các pháp này nếu chấp nhận và thực hiện đưa đến bất hạnh và khổ đau, thì này Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng. 

Này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau: Các pháp này là thiện, là không có tội lỗi; các pháp này được những người có trí tán thán; các pháp này nếu chấp nhận thực hiện đưa đến hạnh phúc và an lạc, thì này Kàlàmà, hãy chứng đạt và an trú. 

                                                                                                                                            (ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I)